Tỉnh Cà Mau có 9 huyện, thành phố, với 101 xã, phường, thị trấn. Số dân nông thôn khoảng 961.000 người, chiếm gần 80% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 10%.
Từ năm 2006 đến nay, khu vực nông thôn Cà Mau được đầu tư vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, do các tổ chức quốc tế và quốc gia UNICEF, Úc, Đan Mạch, Hà Lan, Anh tài trợ. Bên cạnh đó, người dân nông thôn được vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các công trình phục vụ chương trình mục tiêu nước sạch. Nhờ đó, tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng lên qua các năm. Cụ thể, năm 2006 là 74%, năm 2007 là 75,2%, năm 2008 là 75,85%, năm 2009 là 79,18%, năm 2010 là 80,91% và năm 2011 là 84,05%.
Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, tỷ lệ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trong toàn tỉnh là 1.020.814 dân, chiếm tỷ lệ 84,29%. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 781.572 dân, chiếm tỷ lệ 84,05%. Tuy nhiên, hiện nay, nước sinh hoạt người dân nông thôn sử dụng không qua xử lý. Trong năm 2011, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, khi tiến hành lấy 150 mẫu nước ở 150/203 trạm cấp nước cụm dân cư dưới 500 người về xét nghiệm, thì có đến 28/150 mẫu không đạt tiêu chuẩn về Coliform, 25/150 mẫu không đạt tiêu chuẩn về Ecoli, 150/150 mẫu không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng clo dư, 17/150 không đạt tiêu chuẩn về độ mặn, 2/150 mẫu không đạt tiêu chuẩn về độ cứng, 2/150 mẫu không đạt tiêu chuẩn về chất hữu cơ.
Một thực trạng đã và đang tồn tại ở vùng nông thôn đó là việc khai thác nguồn nước ngầm (khoan cây nước) không được cấp phép, mà chủ yếu người dân tự hợp đồng với cơ sở khoan giếng tiến hành khoan lấy nước.
Theo báo cáo của UBND huyện Đầm Dơi: “Hiện nay, trên địa bàn huyện, người dân sử dụng nước ngầm là chủ yếu. Hiện, huyện có 22.594 giếng khoan. Nguồn nước ngầm mà huyện đang khai thác sử dụng ở độ sâu từ 140 – 250m, chất lượng nước tốt, không bị nhiễm kim loại nặng”. Tương tự, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển cũng có gần 12 ngàn giếng khoan, 46 trạm nước nối mạng cung cấp cho 7.693 hộ. Ông Lê Minh Phùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Hiện nay, huyện Ngọc Hiển có 100% hộ dân có nước giếng khoan và nước nối mạng để sử dụng, đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc về nước sinh hoạt của dân cư trên địa bàn, đặc biệt là dân cư nghèo ở vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế bệnh tật liên quan về nguồn nước ”.
Bên cạnh các địa phương có số hộ dân sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ khá cao thì vẫn còn một số nơi trong tỉnh không có nước để sử dụng. Lý do là nước mặt và nước ngầm bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng. Ông Lý Minh Khởi, Phó giám đốc Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời), xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Thuận (huyện U Minh), xã Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Tân Bằng (huyện Thới Bình), nhiều nơi trong xã có nguồn nước mặt và nước ngầm bị nhiễm phèn và nhiễm mặn rất nặng, cho nên việc khai thác nước ngầm và đầu tư các công trình cấp nước tập trung rất khó khăn, tốn kém”. Để có nước sử dụng, người dân nơi đây phải dùng nhiều lu, khạp… tích trữ nước mưa xài trong mùa khô hoặc đổi nước từ nơi khác.
Một thực tế báo động hiện nay là tình trạng các giếng khoan hư hỏng, không còn sử dụng nhưng chưa được xử lý đúng quy định nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì nguy cơ nguồn nước ngầm bị nhiễm là điều không tránh khỏi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.900 giếng nước không sử dụng chưa được trám lấp. Tuy nhiên, để trám lấp hết toàn bộ số giếng này phải cần đến một nguồn kinh phí tương đối lớn.
Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu không có biện pháp khai thác, sử dụng và bảo vệ hợp lý thì đến một lúc nào đó, nguồn tài nguyên này sẽ bị chính chúng ta hủy diệt. Lộ trình bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước là một quá trình khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự phối hợp của cả cộng đồng xã hội. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước chính là bảo vệ tương lai của chính chúng ta.
Thanh Mộng